Di sản của Haruhiko Kuroda

The Legacy of Haruhiko Kuroda

Vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, nhiệm kỳ của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda kết thúc. Và đây cũng là sự kết thúc của cả một kỷ nguyên.

Haruhiko Kuroda là thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ tháng 3 năm 2013. Khi cựu thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á này trở thành thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào một thập kỷ trước, Nhật Bản vẫn đang trên đà hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và thảm họa động đất miền đông Nhật Bản năm 2011.

Với vai trò là thống đốc ngân hàng trung ương, ông Kuroda bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để chống giảm phát và ủng hộ chính sách "Abenomics". Dưới sự lãnh đạo của ông, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu triển khai chính sách tăng cường mua các tài sản ngắn hạn và dài hạn. Thống đốc Kuroda đã gây rúng động ngân hàng trung ương vốn bảo thủ này và thị trường khi tung ra chương trình kích thích lớn để thể hiện quyết tâm đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong vòng hai năm. Trong giai đoạn làm thống đốc của ông Kuroda, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng bảng cân đối kế toán lên khoảng 497 nghìn tỷ yên (3,7 nghìn tỷ USD) và hiện nắm giữ một nửa thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB).

Kết quả là ông Kuroda đã để lại một di sản mang tính hỗn hợp dành cho Ngân hàng Nhật Bản. Thời gian đầu, các chính sách của ông Kuroda được khen ngợi vì đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản và vực dậy niềm tin của doanh nghiệp. Gói kích thích lớn của ông được đánh giá là đã kéo nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát, nhưng mặt khác, nó lại làm giảm lợi nhuận ngân hàng và bóp méo các chức năng của thị trường do lãi suất thấp kéo dài. Các nhà phê bình cũng cáo buộc ông Kuroda đã làm đình trệ thị trường khi đưa ra lãi suất âm vào năm 2016. Đây là quyết định đã làm rung chuyển thị trường và cho thấy rất không được lòng công chúng. Khi những hiệu ứng tích cực bắt đầu mờ dần và việc mua số lượng trái phiếu khổng lồ gặp phải những hạn chế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã chuyển sang chính sách lãi suất mục tiêu. Do đó, một sự hạn chế đối với lãi suất dài hạn đã được bổ sung như một phần của chính sách có tên gọi là kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), chính sách này vẫn có hiệu lực cho đến bây giờ. Đây là chính sách đã khiến đồng yên Nhật mất giá so với các loại tiền tệ khác.

Các nhà kinh tế tin rằng mặc dù lãi suất thấp thực sự hữu ích, nhưng việc giữ lãi suất ở mức rất thấp trong thời gian dài có thể cản trở quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong những thời kỳ bất ổn toàn cầu.

Viện sĩ Kazuo Ueda đã thay thế ông Haruhiko Kuroda làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào ngày 9 tháng 4. Ông Ueda là cố vấn trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Tiền tệ. Và với danh tiếng là nhà lý thuyết thực dụng của ông Ueda, một số nhà phân tích cho rằng ông Ueda cuối cùng sẽ thoát ra khỏi cái bóng của ông Kuroda và vạch ra con đường riêng để thực hiện việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.